Enter your keyword

Put your ad code here

Kiệt tác “Mây, hồ, tháp” của Vladimir Nabokov

Có những tác giả mà ta nên đọc một lần trong đời, và Vladimir Nabokov (Nga) là một trong số ít tác giả như vậy.


Mây, hồ, tháp


Sinh năm 1899 tại Nga và mất năm 1977 tại Thuỵ sỹ, văn hào vĩ đại này đã sống qua 2 thế kỷ, 2 cuộc thế chiến, và tại khắp các thành phố vĩ đại nhất của châu Âu: Cố đô Saint-Peterburg của Nga, Yalta, Berlin, Paris,… Cuộc đời ông trải qua cả những tháng năm vàng son của một gia đình tư sản Nga, thậm chí khu bất động sản ông được thừa kế ở ngoại ô Saint-Peterburg hiện nay có giá trị hơn 200 triệu USD, cho đến những ngày tháng phải đi dạy tennis và đấm bốc để kiếm sống nuôi gia đình. Tuy nhiên, cuối cùng ông cũng vượt lên khỏi mọi gian khó để trở thành một trong các nhà văn vĩ đại nhất của nhân loại.
Trong kho báu di sản văn chương Vladimir Nabokov, thì Tổng tập truyện ngắn của ông là một trong các tác phẩm được đánh giá cao nhất. Bao gồm 68 truyện ngắn được viết suốt những năm thanh niên và trung niên, tại nhiều nước trên thế giới, và qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau của sự nghiệp, Tổng tập này cho độc giả và các nhà nghiên cứu thấy được bức tranh toàn diện nhất về cuộc đời nhà văn, thấy sự hoàn thiện dần dần kỹ năng viết của ông, cách sử dụng từ rất đặc trưng cho Nabokov, các thủ pháp văn chương cũng như những phác thảo về các nhân vật sau này trong các tiểu thuyết lớn nhất của ông.
Rất nhiều truyện ngắn trong bộ sách được đánh giá như những kiệt tác vĩ đại nhất của văn chương nhân loại, chẳng hạn “Dấu hiệu và Biểu hiệu”, “Xuân Fialta”, “Mây, hồ, tháp”, “Chị em nhà Vane”… Rất nhiều nhà văn đã chịu ảnh hưởng từ Nabokov, và không ít nhà văn coi ông là người thầy của mình.
Mây, hồ, tháp

Do sự phức tạp, bút pháp cầu kỳ, vốn từ rất rộng lớn và cực kỳ khó dịch, nên văn chương Nabokov ít được biết đến tại Việt Nam. Gần một thế kỷ đã trôi qua từ khi nhà văn thành danh tại châu Âu và Mỹ, vậy mà chỉ có vài cuốn sách của ông xuất hiện trong bản dịch tiếng Việt. Dịch Nabokov là một công việc nghiêm túc, đòi hỏi sự am hiểu văn hoá Nga, Mỹ, châu Âu cũng như vốn sống nhất định và chắc chắn là kỹ năng sử dụng tiếng Việt ở mức cao nhất. Cũng không có gì lạ, là nhiều bản dịch tác phẩm Nabokov không được đánh giá cao tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. 
Việc Nhà xuất bản Văn học và Công ty Zenbook cho ra đời “Mây, hồ, tháp” - quyển 2 của bộ Tổng tập truyện ngắn Nabokov chỉ sau khi quyển 1 với cái tên “Mỹ nhân Nga” được xuất bản cách đây hơn 4 tháng đã cho thấy rằng Nabokov bắt đầu được quan tâm hơn tại Việt Nam. Nhiều độc giả đã thấy được vẻ đẹp huyền bí và sắc sảo của các tác phẩm của ông, và có lẽ sự thành công của cuốn sách “Mỹ nhân Nga” đã giúp cho nhà xuất bản mạnh dạn đầu tư cho dịch giả Thiên Lương tiếp tục chuyển ngữ những tác phẩm hết sức phức tạp và tinh tế của Vladimir Nabokov. 
Tất nhiên mỗi mảng sách có thị trường riêng của mình. Sách ngôn tình có độc giả của nó, sách tô màu có khách hàng của nó, sách dạy làm giàu, dạy ăn chay, giữ sức khoẻ cũng rất có ích cho mọi người. Nhưng văn chương đỉnh cao cũng như âm nhạc cổ điển, phim nghệ thuật, ballet, opera,… vẫn có những người hâm mộ trung thành. Và một nền văn hoá không thể thiếu vắng cả cái này, cả cái kia. Nghệ thuật hàn lâm có thể có ít khách vào những tháng năm gian khổ của dân tộc, nhưng cùng với sự thịnh vượng, thì sẽ càng ngày càng có nhiều người tìm về với nó như một niềm tin vào vẻ đẹp thánh thiện trên những bậc thang cao hơn của cảm xúc. 
Mặt khác, nước Nga vĩ đại vốn có một nền văn chương hàng đầu thế giới, tuy nhiên trước đến giờ, hầu như không có tác phẩm lớn nào của các nhà văn Nga được dịch nghiêm túc và từ ngôn ngữ gốc qua tiếng Việt. Hầu hết được dịch qua ngôn ngữ thứ ba, chẳng hạn tiếng Pháp, Anh hay Hoa, và làm mất đi rất nhiều chất văn cũng như tính Nga trong tác phẩm. Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Trong bối cảnh ấy thì việc “Mây, hồ, tháp” cũng như “Mỹ nhân Nga” đều được dịch giả Thiên Lương dịch từ ngôn ngữ gốc mà Vladimir Nabokov dùng để sáng tác, có thể coi như một nỗ lực đáng ghi nhận với văn chương Nga và độc giả Việt. 
Theo đại diện công ty phát hành sách, thì mặc dù chưa bán được đến hàng chục vạn cuốn như các dòng văn học mực tím hay truyện ngôn tình, nhưng cả “Mỹ nhân Nga” và “Mây, hồ, tháp” đều nhận được sự quan tâm lớn của độc giả, nhiều hơn nhiều so với dự tính của họ khi làm dòng sách cao cấp này. Và đó cũng là niềm tin để những người làm sách sẽ tiếp tục cố gắng đưa thêm các tác phẩm kinh điển của Vladimir Nabokov và các nhà văn lớn khác vào Việt Nam.

Xuân Sang

Bài đã đăng trên báo Laodong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét