Vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước vừa qua đã gây nên sự căm phẫn và nỗi kinh hãi đến tột cùng trong dư luận, và việc phá án mau lẹ của các cơ quan công quyền phần nào làm yên lòng dân và đem lại niềm tin vào công lý và lẽ phải ở đời. Tuy nhiên, vẫn có không ít lời xì xầm, nhất là trên facebook, về điểm này điểm nọ liên quan đến vụ án.
Thực ra thì bản chất sự hoài nghi ấy không có gì mới. Trên thế giới, nhất là ở Mỹ, luôn có những người theo thuyết âm mưu (tiếng Anh: conspiracy theory). Những người này luôn tìm cách lý giải các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội theo hướng gán cho chúng những âm mưu bí mật của các thế lực ngầm khủng khiếp nào đó đằng sau.
Giả thuyết của họ luôn đi ngược lại các giải thích chính thống, và nó luôn nhằm đến việc buộc tội một nhóm người hay một tổ chức, hay một yếu tố siêu nhiên nào đó gây nên hay đứng đằng sau một sự kiện hoặc một hiện tượng gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế chính trị xã hội. Các hiện tượng đó có thể đơn giản là một vụ giết người thảm khốc, một vụ khủng bố dã man, một hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ, thậm chí là những “bí mật” hết sức hoang đường nào đó, chẳng hạn như người ngoài hành tinh đang làm việc cho các cơ quan chính phủ Mỹ.
Thuyết âm mưu khá được ưa thích, ngoài lý do người dân luôn hoài nghi vào những thứ họ không hiểu rõ, còn vì sự hấp dẫn ly kỳ của nó. Một trong các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng có liên quan đến thuyết âm mưu là Fahrenheit 9/11 – bộ phim giành giải cành cọ vàng ở Cannes của đạo diễn Michael Moore. Bằng cách khéo léo sử dụng các tin tức chọn lọc, bộ phim này đã đưa ra những giả thuyết của riêng mình về Tổng thống Bush cùng những kẻ thực sự đứng sau vụ khủng bố 11.9. Đương nhiên là giả thuyết này khác xa với những gì chính quyền Mỹ vẫn công bố.
Ngoài ra, bất chấp các bằng chứng khoa học hiển nhiên, người ta vẫn không thôi nghi ngờ vào những sự kiện như cuộc đổ bộ đầu tiên lên Mặt Trăng của người Mỹ, vụ ám sát tổng thống Kennedy, và đủ thứ ầm ĩ khác.
Người ta vẫn chưa thể lý giải nguyên nhân tại sao có nhiều người thực tâm tin vào các thuyết âm mưu, và phủ nhận tất cả các bằng chứng khoa học và pháp lý khác. Một số học giả cho rằng do con người sẵn có niềm tin từ thời thượng cổ vào sự tồn tại của các thế lực hắc ám trong tự nhiên, những học giả khác lại cho rằng nhiều người muốn tìm cách giải thích các sự kiện, hiện tượng quan trọng bằng những nguyên nhân quan trọng, chẳng hạn họ không bao giờ chịu tin rằng một thứ gì đó khổng lồ và khó hiểu như đám mây lại đơn giản chỉ do nước bốc hơi lên trời mà thôi. Nói chung, họ cần một lý do nào đó đủ kinh khủng để lý giải cho một sự kiện họ cho là hết sức kinh khủng.
Sự thiếu vắng lòng tin cũng là một nguyên nhân quan trọng đưa đến các thuyết âm mưu. Người dân nghèo, ít học, bị loại ra khỏi cuộc chơi, ở các tầng lớp thấp trong xã hội rất dễ là nạn nhân của các thuyết âm mưu, và họ chính là những kẻ tin một cách thành thực nhất vào các giả thuyết hoang đường nhất. Những người có học thức cao, thu nhập cao, ở giới trung lưu và cao hơn thường ít khi tin vào các thuyết âm mưu, do họ được thông tin tốt hơn và đa chiều hơn, họ hòa nhập cùng hệ thống chính trị và kinh tế, họ có thái độ tích cực hơn với xã hội, và họ có xu hướng tin vào các thông tin chính thống mà họ nhận được. Điều đó cũng dễ hiểu, vì càng ở trên cao thì người ta càng có tầm nhìn bao quát hơn.
Một trong những ví dụ đơn giản là bàn làm việc tiếp dân của các cơ quan. Những nơi để cửa kính thấp, cho khách thấy rõ hồ sơ được xử lý thế nào trên bàn, thường mang lại cảm giác yên tâm hơn cho người dân.
Quay trở lại vụ thảm sát Bình Phước, có thể thấy rằng sự kiện khủng khiếp này được gieo lên mảnh đất đầy những hoài nghi ngay từ đầu. Do chạy đua theo thông tin, nhằm câu độc giả, một số tờ báo đã đưa tin vội vã, và do đó có rất nhiều tin trái ngược lẫn nhau, không từ những nguồn tin cậy, thậm chí là bịa đặt, làm cho độc giả vô cùng hoang mang, không biết đâu là thật, là giả. Có thể nói rằng chính những thông tin sai lệch và không được đính chính này đã gợi lên các giả thuyết âm mưu trong một bộ phận dư luận.
Thực tế thì không thể tiêu diệt thuyết âm mưu, nó là một phần của văn hóa. Dù xã hội có văn minh đến đâu thì bất cứ sự kiện lớn nào vẫn sẽ là mảnh đất cho các cây âm mưu lớn mọc lên. Tuy nhiên, để cho các giả thuyết hoang đường ấy chỉ khu trú trong một bộ phận dân cư nhất định, và không bị kẻ xấu lợi dụng, kích động người dân thì cần khá nhiều việc để làm, từ nâng cao văn hóa và trách nhiệm của phóng viên, cho đến sự minh bạch của các cơ quan quản lý nhà nước. Người dân sẽ tin tưởng hơn vào thông tin chính thống khi họ nghĩ rằng họ được biết, được bàn, được làm và được kiểm tra.
http://www.thanhnien.com.vn/toi-viet/thong-tin-sai-lech-manh-dat-mau-cho-thuyet-am-muu-585372.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét