Một Góc Nhìn về Kinh Tế VN trong thế kỷ 20
By
benhvienaau
On
tháng 11 24, 2015
Người Việt vốn âm tính, duy tình hơn duy lý, kiểu tư duy đó không hẳn đã hoàn toàn dở, tuy nhiên, trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, thì ai muốn sống còn và thành đạt, thì nên học cách tư duy biện chứng, dựa trên số liệu và các phương pháp phân tích khoa học.
Có nhiều "ảo giác" vẫn luẩn quẩn trong tiềm thức người Việt, chẳng hạn như huyền thoại về một Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông, hay một miền Nam mà Lý Quang Diệu phải ao ước. Tuy nhiên, sự thực khác hẳn những gì người ta vẫn nghĩ. Singapore chưa bao giờ thua kém Sài Gòn, nếu như không muốn nói là luôn có GDP đầu người tối thiểu là gấp vài lần. Và, suốt những năm chiến tranh, GDP đầu người của miền Bắc VN thật ra cũng không thua miền Nam VN là bao, mặc cho các hỗ trợ kinh tế khổng lồ từ Mỹ cho miền Nam VN.
Trên đây là đồ thị dữ liệu về GDP trên đầu người của một số quốc gia châu Á từ năm 1913 cho đến năm 1970. Điều thú vị trong báo cáo này là nó bao gồm cả GDP của miền Nam và miền Bắc VN. Có thể thấy điểm nổi bật là sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản, và một sự thật đáng buồn là cả Bắc và Nam Việt Nam lúc nào cũng nghèo đói như nhau và ở mức thấp nhất trong các nước châu Á được nói đến trong báo cáo. Suốt một thời gian dài từ 1940 đến 1970, kinh tế cả hai miền không phát triển trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc cùng các quốc gia khác đều tăng trưởng tốc độ cao. Chiến tranh đã làm cho đất nước tụt hậu ít nhất là 50 năm, tuy nhiên, không thể phủ nhận sự thật là từ đầu thế kỷ 19, Việt Nam đã là quốc gia rất, rất nghèo.
Sau 75, đất nước còn rơi vào khủng hoảng trầm trọng do cấm vận, do mất hết viện trợ từ Mỹ, Nga, Trung Quốc, do các sai lầm trong điều hành kinh tế, và chỉ mới thật sự phát triển, và phát triển rất tốt, từ 5h sáng ngày 4/2/1994, sau khi Mỹ bỏ cấm vận. Nhưng đó là một câu chuyện khác!
Nguồn:
Economic Divergence in East Asia:
New Benchmark Estimates of Levels of Wages and GDP, 1913-1970
Jean-Pascal Bassino* and Pierre van der Eng**